Những công nghệ và kỹ thuật nổi bật của nông nghiệp Trung Quốc

Trung Quốc gần đây đã triển khai nhiều công nghệ và kỹ thuật canh tác hiệu quả cao, trong đó phải kể đến 'bộ não kỹ thuật số', siêu lúa 8022 và hạn canh.

Vụ thu hoạch lúa mì năm nay, ông Mã Văn Xương thường xuyên nhận được các tin nhắn thông báo về điều kiện thời tiết, độ ẩm của đất và thời điểm thu hoạch lý tưởng. Sau khi kiểm tra các cánh đồng của mình, ông đã sử dụng 8 máy gặt đập liên hợp và thu hoạch 2.000 mu (khoảng 133,33 ha) lúa mì chỉ trong 2 ngày.

Sở nông nghiệp địa phương đã chủ động gửi các tin nhắn thông báo tới nông dân trong vùng, và điều này đang dần trở nên vô cùng quan trọng đối với những người nông dân trồng ngũ cốc như ông Mã Văn Xương ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.

"Bộ não kỹ thuật số"

Một "cây cột thông minh", có gắn cảm biến khí tượng, cảm biến đất, camera có độ nét cao và các tấm pin mặt trời, được đặt tại một trong những cánh đồng lúa mì của ông Mã.

Thiết bị này liên tục truyền các dữ liệu đến "bộ não kỹ thuật số" của Thung lũng Nông nghiệp miền Trung Trung Quốc, một nền tảng đổi mới nông nghiệp do tỉnh Hà Nam phát triển. "Bộ não kỹ thuật số" có chức năng xử lý các thông tin liên quan đến thời tiết, độ ẩm của đất, độ phì nhiêu của đất và điều kiện cây trồng thông qua các mô hình dữ liệu khác nhau, sau đó gửi cho nông dân để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Nền tảng này thu thập 4 mô hình dữ liệu chính về thời tiết, đất, độ phì nhiêu và quá trình thoát hơi nước của thực vật, đã thu thập hơn 200 triệu điểm dữ liệu từ hơn 20 cột thông minh tại 10 trạm giám sát ở thành phố Tân Hương.

"Cách tiếp cận sáng tạo này đã giúp tăng cường cung cấp thông tin nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh ứng dụng internet. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khác với ngành công nghiệp vì có nhiều khía cạnh chưa được chuẩn hóa, vì vậy 4 mô hình dữ liệu chính của chúng tôi vẫn đang trong quá trình phát triển. Điều này thể mất nhiều năm để thu thập đầy đủ dữ liệu", bà Ngân Nguyệt, giám đốc dự án "Bộ não kỹ thuật số" cho biết. Bà cũng cho biết 200 cột thông minh sẽ được lắp đặt đến cuối tháng 6/2024.

Thung lũng Nông nghiệp miền Trung Trung Quốc hoạt động chủ yếu ở thành phố Tân Hương, có diện tích quy hoạch là 1.612 km2. Nơi đây quy tụ 74 doanh nghiệp về giống và 53 nền tảng nghiên cứu cấp tỉnh trở lên.

Siêu lúa Liliangyou 8022

Miền Trung Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy và Giang Tây, là được xem là "vựa ngũ cốc" quan trọng của cả nước. Hà Nam là tỉnh sản xuất lúa mì lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng sản lượng quốc gia, trong khi tỉnh Hồ Nam có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, hơn 59 triệu mu (gần 4 triệu ha).

Trong những năm gần đây, miền Trung Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, xây dựng các khu thí điểm và các cơ sở như "thung lũng nông nghiệp", "thung lũng hạt giống" và các khu vực canh tác hữu cơ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.

Hồ Nam dẫn đầu cả nước về trồng lúa và là quê nhà của nhà nông học Viên Long Bình, người đã có những đóng góp đáng kể cho việc lai tạo các giống lúa ở Trung Quốc và được gọi là "cha đẻ của lúa lai".

Ngày nay, Hồ Nam là nơi đặt trụ sở của các công ty như Long Bình High-Tech, thu hút nhiều học giả về nông nghiệp, và nền tảng đổi mới quốc gia, bao gồm một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về lúa lai. Tỉnh này đang nỗ lực để xây dựng một "thung lũng hạt giống".

"Giống lúa 'Liliangyou 8022' mới của chúng tôi cho năng suất 18,7 tấn/ha ở huyện Đức Xương, tỉnh Tứ Xuyên", Dự Thu Thắng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai Hồ Nam cho biết.

Trung tâm đã có những bước đột phá trong việc sản xuất "siêu lúa". Năm 2022, lúa lai của trung tâm cho năng suất 6,9 tấn/ha ở huyện Kiến Ninh thuộc thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc. Khi đó, năng suất lúa lai trung bình trên toàn quốc là khoảng 2,2 tấn/ha, chỉ bằng 1/3 năng suất của trung tâm.

"Điều này có nghĩa là chúng tôi không chỉ có thể sản xuất nhiều lúa hơn mà còn giảm đáng kể chi phí sản xuất cho nông dân, khoảng 30%", ông Dự nói.


Các mẫu hạt giống tại phòng thí nghiệm của Thung lũng Nông nghiệp miền Trung Trung Quốc ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Kỹ thuật hạn canh (dry-farming) hữu cơ

Ở tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, nơi địa hình đồi núi chiếm 80% tổng diện tích, việc phát triển kỹ thuật hạn canh hữu cơ đã tăng năng suất ở nhiều khu vực vốn phải phụ thuộc vào mưa và giảm thiểu chi phí vận hành máy móc nông nghiệp.

Tại huyện Trường Tử, tỉnh Sơn Tây, ruộng ngô của nông dân Vương Kiến Dương đã cao đến 50 - 60 cm dù được trồng ở khu vực có lượng mưa thấp hơn bình thường. Từ năm 2023, ông Vương áp dụng kỹ thuật hạn canh hữu cơ.

Trước khi biết đến kỹ thuật này, ruộng ngô của ông không thể phát triển được như bây giờ nếu không có nhiều mưa, và một số hạt giống thậm chí còn không thể nảy mầm. Sau khi thử nghiệm kỹ thuật mới, ông rất tự tin về vụ thu hoạch năm nay.

"Kỹ thuật mới, cùng với đủ lượng mưa, đã giúp sản lượng ngô tăng hơn 750 kg/ha", ông nói. Bằng cách tích hợp thêm một số bước trong quá trình gieo hạt, ông đã giảm việc sử dụng máy móc nông nghiệp gấp 3 lần, tiết kiệm hơn 1.500 NDT/ha.

Vào năm 2023, huyện Trường Tử đã áp dụng kỹ thuật hạn canh hữu cơ trên 538 ha đất canh tác, với những thay đổi bao gồm tăng độ ẩm, chất dinh dưỡng và mật độ đất. Điều này dẫn đến sản lượng tăng trung bình 774 kg/ha.

Kỹ thuật này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các khu vực khô cằn, thường xuyên phải đối mặt với những thách thức về xói mòn đất và lượng mưa ít. Kỹ thuật này giải quyết các vấn đề hạn hán và lượng mưa thấp trong mùa xuân vốn thường cản trở việc gieo hạt. Bằng cách tích hợp nhiều kỹ thuật làm đất, kỹ thuật này vừa đảm bảo sản xuất ngũ cốc ổn định, vừa có thể bảo vệ tài nguyên đất, theo các quan chức nông nghiệp địa phương.

"Việc áp dụng các giống và kỹ thuật mới đã tạo ra những lợi thế mới trong công cuộc đảm bảo an ninh lương thực ở miền Trung Trung Quốc và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển sáng tạo của nông nghiệp Trung Quốc", Quách Thiên Cai, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Hà Nam cho biết.

Bình luận

Top