Mô hình trồng lúa không cày bừa giúp giảm thải carbon

Anh Lương Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương, đã triển khai mô hình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại Nam Định, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm phát thải carbon.

Anh Lương Văn Trường sinh năm 1989, hiện là Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương tại Nam Định. Sinh ra trong gia đình truyền thống làm nông, anh dành nhiều tình yêu và niềm đam mê cho cây lúa. Chính từ đam mê này, anh theo học ngành Công nghệ sau thu hoạch. Trở thành kỹ sư nông nghiệp, Trường nhiều năm nghiên cứu mô hình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ và giảm phát thải carbon. Đến năm 2019, mô hình này lần đầu ứng dụng tại cánh đồng xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Theo anh, kỹ thuật này xây dựng dựa trên nền tảng tinh thần của cuốn sách Cách mạng một cọng rơm và những kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, Trường dựa trên điều kiện sản xuất sẵn có và đặc thù khí hậu Việt Nam để đưa ra phương pháp phù hợp.

Quy trình trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ bao gồm nhiều bước. Ruộng sau khi thu hoạch tiến hành xả nước hoặc chờ tới thời điểm bơm nước đồng trà vào ruộng, sau đó rải men vi sinh giúp phân hủy rơm rạ nhanh. Kế đến, dùng máy nhỏ chạy trên bề mặt làm gốc lúa vụ cũ, rơm, cây cỏ gãy gập và chìm trong nước. Quá trình này kết hợp với nhiệt độ môi trường cao trên 25 độ C sẽ làm toàn bộ gốc rạ, cây cỏ tươi chết bởi sốc nhiệt độ, thiếu oxy. Khi gặp nước, các hạt cỏ, lúa mạ, lúa lộn vụ cũ sẽ nảy mầm trong 2-3 ngày, ngay lập tức sẽ bị ốc, sinh vật ăn thực vật khác ăn hết. Phần còn lại sẽ do vi sinh vật phân hủy. Sau 7-15 ngày, người nông dân có thể rút nước và tiến hành gieo trồng vụ mới.

Phương thức gieo trồng có thể cấy máy hoặc gieo sạ vãi. Trong trường hợp gieo vãi, nông dân cần sử dụng công cụ hỗ trợ đè cho hạt lúa chìm xuống. Công cụ hỗ trợ bao gồm máy kéo nhỏ kết hợp với bàn trang phẳng dài 2-4 m, nặng 25-50 kg kéo trên bề mặt giúp đè hạt lúa xuống.

 

Quy trình trồng lúa đã thử nghiệm trên 10.000 m2 trong hai năm 2019-2020. Kết quả, cây lúa phát triển bình thường, năng suất không khác biệt so với cày bừa truyền thống. Hình thức này giúp tiết kiệm 20-30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 20% công lao động. Nông dân cũng giảm 20-30% phí sản xuất, chất lượng lúa tăng lên. Trường ước tính, phương pháp còn góp phần giảm đến 70% phát thải khí CH4 và N20.

Hiện hợp tác xã tiếp tục thử nghiệm một số giải pháp để trồng lúa khi nhiệt độ môi trường xuống dưới 25 độ C (thiết kế hệ thống diệt cỏ bằng hơi nước). Quy mô trồng dự kiến mở rộng đến 1.000 ha với kỳ vọng giúp người nông dân tối ưu chi phí, đóng góp vào mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Bình luận

Top