Người trồng sầu riêng đang đối mặt với nhiều thách thức

Khi khu vực Đông Nam Á đối mặt với thời tiết nắng nóng và hạn hán, nông dân Việt Nam đang ngày càng lo ngại về chất lượng thu hoạch sầu riêng kém hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trao đổi với tờ CNA, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Việt Nam) cho biết: “Vấn đề chính của mùa thu hoạch sầu riêng này là hạn hán kéo dài và xâm nhập nước biển làm giảm năng suất và chất lượng của các trang trại sầu riêng Việt Nam…Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới nếu chúng ta không hành động đủ nhanh để thực hiện các giải pháp”.

Kể từ khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính thức sầu riêng tươi từ Việt Nam vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng vọt và đạt 2,2 tỷ USD vào năm ngoái – tăng gấp 10 lần so với năm trước. Qua đó, Việt Nam đã đánh bại sự thống trị của Thái Lan với tư cách là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 3,5 tỷ USD trong năm nay. Nhưng sự gia tăng này đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn – không chỉ vì biến đổi khí hậu mà còn do tác động của các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mê Kông.

Tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán

Gần một nửa sản lượng sầu riêng của cả nước đến từ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng trong những năm gần đây, tình hình thời tiết thay đổi và tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng đã gây tác động tiêu cực tới các trang trại trồng sầu riêng trong khu vực.

“Mối đe dọa lớn nhất đối với sầu riêng là nước mặn. Cây sầu riêng rất dễ bị nhiễm mặn”, một nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang cho biết.

Một số nông dân đang phải chịu tác động của các đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông, khiến mực nước chảy về hạ lưu nơi nông dân Việt Nam trồng sầu riêng giảm xuống.

Tiến sĩ Trần Bá Hoàng, Giám đốc Viện Tài nguyên nước miền Nam Việt Nam cho biết: “Năm nay lưu lượng nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể do các hồ chứa và đập thượng nguồn ở Trung Quốc, Thái Lan và Lào”.

Ngoài ra, năm nay tình trạng xâm nhập mặn còn diễn ra nghiêm trọng hơn thường lệ do hiện tượng El Nino.

Việt Nam cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới cửa cống và hệ thống thủy lợi trên các nhánh sông Mê Kông để ngăn nước mặn.

Nông dân cũng đang làm mọi thứ có thể, chẳng hạn như tích trữ nước ngọt trong ao, hồ và kênh cũng như lắp đặt các công trình thủy lợi hiệu quả hơn.

Một số tỉnh ở khu vực phía Nam của Việt Nam đã ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán, với hàng chục nghìn người bị thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn hán và nhiễm mặn cực đoan ngày càng trầm trọng hơn do đợt nắng nóng kéo dài.

Lo ngại về cung vượt cầu

Nông dân Việt Nam cũng nhanh chóng mở rộng các trang trại trồng sầu riêng do loại cây này có giá trị kinh tế cao, gây lo ngại cho các cơ quan quản lý nông nghiệp.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cho biết: “Nông dân ở nhiều khu vực đã chuyển đổi từ trồng lúa và cà phê sang trồng sầu riêng để mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn”.

Nguyên nhân của điều này là do một ha sầu riêng có thể mang lại lợi nhuận ước tính 70.000 USD cho người trồng khi được mùa. Trong khi một ha lúa hoặc cà phê có thể tạo ra lợi nhuận khoảng 6.000 USD mỗi năm.

Việt Nam cho biết cả nước có 150.000 ha sầu riêng, cao hơn mục tiêu 75.000 ha mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra.

Khoảng một nửa số trang trại trồng sầu riêng Việt Nam đang ra trái, sản xuất 1,2 triệu tấn sầu riêng vào năm ngoái và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới.

Cơ quan quản lý nông nghiệp đã cố gắng ngăn chặn việc mở rộng các trang trại sầu riêng do lo ngại về tình trạng dư cung. Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ phê duyệt khoảng 13% trang trại sầu riêng của Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về nỗ lực nâng cao chất lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi nước này muốn cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.

Bình luận

Top